Bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay?

#1
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi thực hiện bảo lãnh cho người khác vay vốn tại ngân hàng là bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay không? Những trường hợp nào thì bên bảo lãnh được miễn trả nợ thay cho bên vay? Hãy cùng Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ tìm hiểu thêm về vấn đề này ngay trong bài viết dưới đây nhé!

>>>> Xem thêm: Công chứng mua bán nhà đất cần những giấy tờ gì?

1. Có phải trả nợ thay khi bảo lãnh vay vốn cho người khác?
Một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ là bảo lãnh. Theo đó, có thể hiểu bảo lãnh vay vốn ngân hàng như sau:
- Bên bảo lãnh cam kết với bên ngân hàng (bên nhận bảo lãnh) sẽ trả nợ thay cho bên vay (bên được bảo lãnh) nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ gồm: Lãi, nợ gốc, tiền bồi thường thiệt hại, tiền lãi trên số tiền chậm trả…
- Các bên có thể thoả thuận bên bảo lãnh chỉ phải trả nợ thay cho bên vay nếu bên vay không có khả năng trả nợ.
- Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh chỉ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên vay.




Theo Điều 342 Bộ luật Dân sự, bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay trong trường hợp:
- Bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Nếu các bên thoả thuận thì khi bên vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, nếu bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì bên bảo lãnh còn có thể bị yêu cầu phải thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, có thể thấy, hiện có hai trường hợp bên bảo lãnh phải trả nợ thay cho bên vay. Nếu các bên có thoả thuận thì khi bên vay không có khả năng trả nợ, bên bảo lãnh cũng phải trả nợ thay cho bên vay trừ trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Điều 341 Bộ luật Dân sự.

Đặc biệt, không chỉ nghĩa vụ trả nợ mà bên bảo lãnh còn có thể phải trả cả tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thay cho bên vay.

2. Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Để yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay, ngân hàng cần phải gửi Văn bản yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm với hồ sơ thoả thuận tại cam kết bảo lãnh cho bên bảo lãnh.
Hình thức gửi yêu cầu có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua mạng bưu chính công cộng. Nếu gửi qua bưu điện thì ngày bên bảo lãnh nhận được yêu cầu được xem là ngày ký nhận thư bảo đảm.
Đặc biệt, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do ngân hàng gửi cho bên bảo đảm chỉ được coi là hợp lệ nếu bên bảo đảm nhận được yêu cầu trong thời gian làm việc của bên bảo đảm và trong thời hạn còn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.
Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được quy định cụ thể tại Điều 21 Thông tư 07/2015/TT-NHNN. Theo đó, thời hạn để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được quy định như sau:
- Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày bên bảo lãnh nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng: Bên bảo lãnh thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả tha và thông báo số tiền đã trả thay, tiền lãi.
- Chậm nhất 05 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Nếu từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ.

3. Trường hợp nào bên bảo lãnh được miễn trả nợ thay bên vay?
Theo quy định trên, nếu bên được bảo lãnh (bên vay) không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay nếu đến hạn mà bên vay không thực hiện hoặc không trả hết được nợ. Trong trường hợp này, số nợ còn lại bên bảo lãnh phải trả thay cho bên vay.



Tuy nhiên, Điều 341 Bộ luật Dân sự có liệt kê các trường hợp bên bảo lãnh được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh gồm:

- Bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (trả nợ thay) cho bên bảo lãnh.

- Miễn bảo lãnh trong trường hợp có nhiều người cùng bảo lãnh cho cùng một người: Chỉ một trong số những người cùng bảo lãnh được miễn nghĩa vụ bảo lãnh còn những người còn lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

- Một trong các bên bảo lãnh miễn cho bên bảo lãnh nghĩa vụ với người này: Người bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với các bên bảo lãnh khác.

Trong đó, căn cứ để bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ của mình nêu tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP gồm:

- Bên được bảo lãnh (bên vay) không thực hiện trả nợ đúng hạn.

- Bên vay không trả nợ trước hạn theo thoả thuận.

- Bên vay không trả đủ số nợ đã vay.

- Bên vay không thực hiện đúng nội dung của nghĩa vụ.

- Bên vay không có khả năng trả nợ.

- Theo thoả thuận giữa các bên.

Như vậy, trên đây là quy định về việc: Bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay không? Nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến nội dung trên hoặc cần tư vấn các vấn đề pháp lý khác về công chứng và Sổ đỏ, xin vui lòng liên hệ tới Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo thông tin:

MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ

Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline : 0966.22.7979 – 0935.669.669

Email: ccnguyenhue165@gmail.com
 
Top